“Tôi tớ của Chúa”
Cha Vincenzo Bordo là một thừa sai dòng Hiến sĩ Đức Mẹ, được người dân Hàn biết đến với tên tiếng Hàn là cha Kim Ha-jong, nghĩa là “tôi tớ của Chúa”.
Việc được chọn làm người cầm đuốc cho Thế vận hội là điều thật bất ngờ với cha Vincenzo. Một hôm cha Vincenzo nghe điện thoại reo; trả lời điện thoại, cha nghe đầu dây bên kia nói: “Alô, đây là Ủy ban Olimpic của Hàn quốc”. Lập tức cha Vincenzo nghĩ: “Chắc họ biết về kỹ năng đua xe đạp của mình và muốn triệu tập mình vào đội tuyển quốc gia.” Ý nghĩ đó chỉ chợt thoáng qua và rồi một ý nghĩ khác xuất hiện: “Nhưng mà tại Thế vận hội mùa đông thì không có môn đua xe đạp.” Vậy thì chuyện gì đây? Thế là cha chăm chú lắng nghe hơn. Đầu dây bên kia tiếp tục nói: “Tôi gọi cha bởi vì tôi muốn có một trong những người cầm đuốc Thế vận hội.” Cha Vincenzo đáp lời: “Xin lỗi, có thể có sự nhầm lần. Tôi là Vincenzo Bordo và tôi là một người Ý.” Bên kia tiếp tục nói: “Có, chúng tôi biết điều đó.” Cha cũng nói tiếp: “Nhưng tôi là một người ngoại quốc.” Cha nghe họ trả lời: “Chính vì thế mà chúng tôi gọi cha. Tinh thần Thế vận hội là tinh thần huynh đệ toàn cầu và lòng hiếu khách và qua cử chỉ này chúng tôi muốn nói với đồng bào của chúng tôi rằng tất cả những người sống và làm việc ở đây là một phần của dân tộc này, không có sự phân biệt đối xử hay định kiến và họ là một phần của lịch sử tuyệt vời mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng.”
Và thật như thế! Sau 29 năm truyền giáo tại Nam Hàn, cha Vincenzo đã được nhập tịch và có quyền công dân, hộ chiếu và cả tên tiếng Hàn. Những hoạt động đặc biệt, sự gần gũi với người nghèo đã giúp cha được người Hàn quốc quý trọng, cảm mến và biết ơn và cha cũng được các tổ chức uy tín nhìn nhận. Do đó, không có gì lạ khi ngay cả Tổng thống Moon Jae-in, một nhà lãnh đạo người Công giáo, cũng muốn trao tặng huy chương dân sự cho “Ngôi nhà Anna” của cha, ngôi nhà do cha thành lập ở thành phố Suwon, nơi mà mỗi ngày, với sự giúp đỡ của hàng chục tình nguyện viên, đón tiếp và cung cấp bữa ăn cho hơn 500 người nghèo, những người bị thiệt thòi và những người nghèo khổ. Tổng thống Moon muốn trao cho cha “huy chương danh dự quốc gia” vì sự phục vụ vô vị lợi dành cho những người dễ bị tổn thương nhất và vì lợi ích chung.
Cha Bordo kể với báo “Quan sát viên Roma” cảm xúc và sự bất ngờ tại buổi lễ được tổ chức vào ngày 26.02 vừa qua (2019) tại Nhà Xanh – Phủ Tổng thống Hàn quốc – ở Seoul và cho biết: “Tôi đã yêu cầu Tổng thống Moon phát triển một “Học viện Hy vọng”, mà qua các cuộc gặp gỡ với những người quan trọng trong công việc phục vụ cộng đồng hoặc tình nguyện, giúp những người trẻ tuổi khám phá lại các giá trị như sự đoàn kết, hiếu khách, phục vụ và tôn trọng”.
“Ngôi nhà Anna”
Cha Vincenzo đã thành lập “Ngôi nhà Anna” vào năm 1998, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, khi hàng ngàn công dân mất việc và phải sống trên đường phố. Cha chia sẻ: “Thật không dễ để tìm và gặp những người nghèo mới trong xã hội sang trọng này, thậm chí họ xấu hổ về tình trạng của họ”. Trong những năm qua, cha Vincenzo đã học cách nhìn để nhận ra có bao nhiêu “người vô hình trong xã hội Hàn Quốc”, và họ cũng là “người vô hình” ngay cả đối với Giáo hội. Từ thực tế này, cha Vincenzo bắt đầu cuộc hành trình của mình, theo Tin mừng, gần gũi và thương xót. Và giữa sự hoài nghi của mọi người, cha thành lập trung tâm tiếp nhận đầu tiên, với một căng tin nơi cha có thể nuôi người nghèo hàng ngày. Công việc đã phát triển theo năm tháng, nhất là nhờ các nhà tài trợ cá nhân.
Nhưng, đi vào trong các khu ổ chuột và các vùng ngoại ô của các thành phố giàu có và hào nhoáng của Hàn Quốc, các nhà truyền giáo còn đụng phải tình trạng chìm đắm của những thanh thiếu niên không có gia đình. Và không dừng lại ở việc quan sát. Cha Vincenzo không chờ đợi họ đến tìm sự giúp đỡ. Cha nói: “Khi biết rằng có 200.000 thanh thiếu niên sống trên đường phố, tôi không thể tiếp tục chỉ đứng trên bục giảng để giảng về Chúa Giêsu, Đấng đã bỏ 99 con chiên để tìm kiếm một con bị lạc”.
Vào chiều tối, cha Vincenzo lái một chiếc xe buýt đặc biệt đi tìm các thanh thiếu niên bị gia đình và xã hội bỏ rơi, những người chạy trốn khỏi mọi người và mọi thứ. Cha Vincenzo cho biết, tại Suwon, “mỗi năm có khoảng 2000 trẻ em rời khỏi trường học và gia đình. Chỉ một số ít trong số các em được đến các trung tâm tiếp nhận. Những em khác có nguy cơ hủy hoại cuộc đời tươi trẻ của họ trong rượu chè, mại dâm, trộm cắp, bạo lực, ma túy, tội phạm và nhà tù”. Cha đã thành lập một mạng lưới tương trợ, có thể đón nhận, hỗ trợ các em và dần dần tái hòa nhập các em vào bối cảnh của gia đình và xã hội.
Hồng Thủy – Vatican